Nhiều mẹ kháo nhau rằng: Sau khi sinh mà ăn bưởi thì con sẽ bị đi ngoài, còn mẹ thì đầy bụng, khó tiêu. Bởi thế nên dù sinh con đã được 3 tháng, chị Ngọc vẫn không dám động vào một múi bưởi nào do vẫn đang trong thời gian cho con bú.
Trên thực tế, cũng có rất nhiều mẹ khác cũng được “nghe đồn” là bưởi chua, giàu tính axit, không tốt cho sức khỏe của hai mẹ con. Chẳng vậy mà quả bưởi dù rất giàu dưỡng chất nhưng vẫn bị các mẹ “lơ đẹp”.
Thực hư của việc kiêng cữ này như thế nào? Quả bưởi có thật sự tiềm ẩn nhiều tác hại đến vậy hay không? Bà mẹ sau khi sinh có được ăn bưởi không?
Nội dung bài viết
Bưởi là loại hoa quả rất quen thuộc trong cuộc sống của người Việt. Thậm chí, loại quả này đã từng xuất hiện trong một tác phẩm của nhà thơ Tô Hùng: “Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi/Rắc trắng những cánh hoa vương/Em lại nhớ ngày anh ra trận/Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương”.
Trước đây, bưởi chín rộ vào mùa thu nắng vàng, khi thời tiết bắt đầu chuyển hanh khô và phảng phất một vài cơn gió heo may. Tuy nhiên ngày nay, người ta còn lai tạo ra nhiều giống bưởi có thể cho quả tứ mùa. Vì vậy mà ở bất cứ thời điểm nào trong năm, chúng ta cũng có thể được thưởng thức những múi bưởi thơm ngon mọng nước.
Giống như nhiều loại thực phẩm khác, bưởi tốt cho sức khỏe nhưng một số người cũng được khuyên là không nên ăn bưởi. Về cơ bản thì mẹ sau sinh được ăn bưởi, trừ trường hợp mẹ thuộc một trong các đối tượng sau đây:
– Người bị tiêu chảy, đi ngoài hoặc có hệ tiêu hóa kém: Trong Đông y, quả bưởi không độc, vị chua, tính lạnh. Do đó nếu người nào bị tiêu chảy, đi ngoài, tỳ vị hư hàn mà ăn bưởi sẽ làm bệnh ngày càng nặng hơn.
– Người thường xuyên uống rượu bia hoặc hút thuốc lá: Thường thì các bà mẹ sau khi sinh sẽ hiếm khi sử dụng các loại chất kích thích, nhưng chúng ta cũng cần biết rằng puranocoumarin trong quả bưởi sẽ làm tăng độc tính của nicotin trong thuốc lá và ethanol trong bia rượu.
– Người đang dùng thuốc giảm cân hoặc thuốc chống dị ứng, vì ăn bưởi sẽ dễ gây ra phản ứng phụ không mong muốn. Đặc biệt kết hợp giữa bưởi và thuốc chống dị ứng có thể gây đột tử.
Như vậy có thể nói, ngoại trừ một số trường hợp nhất định (như đã kể ở trên) thì sau khi sinh ăn bưởi là một việc làm được ủng hộ. Nếu kiêng loại quả này, mẹ chắc chắn sẽ tiếc hùi hụi vì đã đánh mất vô vàn dưỡng chất đấy!
– Bưởi rất giàu nước, đây là nguồn cung cấp nước dồi dào cho hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là quá trình tiết sữa của các bà mẹ sau khi sinh con.
– Bưởi giàu chất xơ, kết hợp với vị chua nhẹ tự nhiên sẽ giúp làm giảm và phòng ngừa táo bón sau sinh hiệu quả.
– Bưởi giàu chất khoáng nhưng lại chứa ít calo. Sau khi sinh ăn bưởi một cách hợp lý chính là bí quyết giảm cân, gọn dáng an toàn mà không làm giảm lượng sữa.
– Bưởi chứa nhiều vitamin C, thậm chí hàm lượng còn cao hơn so với cam và quýt. Lượng vitamin C này cần thiết cho việc tổng hợp collagen để làm lành vết thương, tăng sự đàn hồi của da, chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ răng nướu và tăng hấp thu nhiều chất khoáng vi lượng khác.
– Magie trong quả bưởi không thật sự cao như nhiều loại thực phẩm khác (hạt hướng dương, cá hồi, mật mía, các loại rau xanh đậm), nhưng hàm lượng ít ỏi này cũng được cho là có thể làm giảm căng thẳng, đặc biệt tốt với những bà mẹ bị trầm cảm sau khi sinh con.
– Bưởi cũng chứa nhiều Kali, khoảng 159mg/100g bưởi. Nó giúp duy trì sự bình thường của quá trình chuyển hóa và và điều hòa pH của tế bào.
– Ngoài phần ruột dùng để ăn trực tiếp, bưởi còn có dư phần cùi để nấu chè, còn vỏ để phơi khô rồi gội đầu, chữa rụng tóc và làm mượt tóc rất hiệu quả.
– Trên hơn hết, tất cả các chất dinh dưỡng mà người mẹ nhận được từ quả bưởi đều có thể chuyển sang em bé thông qua việc bú mẹ. Vì vậy, đừng dại mà kiêng ăn bưởi sau khi sinh con mẹ nhé!
Bưởi tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, đó là sự thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên khi ăn bưởi, cần chú ý một số vấn đề sau:
– Sau khi sinh không được ăn bưởi quá chua, có thể chọn bưởi ngọt hoặc bưởi có vị chua nhẹ, vì bưởi quá chua sẽ làm hại dạ dày, gây ê buốt chân răng và bất lợi cho hệ tiêu hóa.
– Tuyệt đối không được ăn bưởi lúc bụng đang đói. Thời điểm tốt nhất để ăn bưởi là sau bữa ăn chính khoảng 1 giờ.
– Dù để giảm cân hay vì mục đích nào khác cũng không được ăn quá nhiều bưởi sau khi sinh, nó vừa gây khó tiêu, vừa làm thiếu hụt những loại dưỡng chất cần thiết từ các loại thức ăn khác (thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh….). Tốt nhất chỉ nên ăn bưởi 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần 2 múi.
– Khi ăn bưởi, nên để bưởi xuống nước, tức là vỏ bưởi đã héo đi, khi đó tép bưởi sẽ ngọt và đậm nước hơn.
– Ngoài việc ăn múi bưởi thì mẹ sau sinh cũng có thể dùng cùi bưởi để nấu chè. Tuy nhiên nên nhớ đừng nên cho quá nhiều đường nhé!
Ngoài bưởi, cũng có rất nhiều loại hoa quả khác chúng ta có thể ăn ngay sau khi sinh con. Các mẹ hãy chú ý theo dõi chuyên mục Cẩm nang của chúng tôi để cập nhật những kiến thức bổ ích nhé!
Nguồn: SLady.com.vn
Hàng loạt các trang báo uy tín đều khẳng định chất lượng của viên uống SLady trong hỗ trợ cải thiện nội tiết tố nữ.